Về dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Vũ Huy Thắng, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng bộ, chủ tịch HĐND thị trấn cùng các đồng chí trong Ban thường vụ, BCH đảng bộ, các đồng chí lãnh đạo UBND thị trấn, cán bộ, công chức, Ban chi ủy các thôn, phố, tổ trưởng an ninh trật tự các thôn, phố trên địa bàn thị trấn Ân Thi.
Đồng chí Nguyễn Văn Thỏa – Phó bí thư - Chủ tịch UBND thị trấn chủ trì hội nghị.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, cùng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Hưng Yên.
Thực hiện Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 17/4/2025 của UBND huyện Ân Thi về tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình và tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, Ủy ban nhân dân thị trấn Ân Thi xây dựng Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình và tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp năm 2025 trên địa bàn với một số nội dung sau:
1. Tổ chức lấy ý kiến cử tri
a) Đối tượng lấy ý kiến: Cử tri đại diện hộ gia đình có địa chỉ thường trú, tạm trú trên địa bàn thị trấn.
b) Nội dung lấy ý kiến
- Đối với Đề án sáp nhập tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, gồm:
+ Phương án sáp nhập tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình;
+ Tên gọi của tỉnh mới sau sắp xếp;
+ Trụ sở hành chính của tỉnh mới sau sắp xếp.
- Đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, gồm:
+ Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã;
+ Tên gọi của xã hình thành sau sắp xếp;
+ Trụ sở của xã hình thành sau sắp xếp.
2. Lập danh sách cử tri và niêm yết danh sách cử tri
UBND thị trấn giao công an và các thôn, phố lập, niêm yết danh sách cử tri đại diện hộ gia đình để lấy ý kiến về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã theo các biểu mẫu; hoàn thành trước 11h00 ngày 19/4/2025.
3. Hình thức tổ chức lấy ý kiến cử tri
a) Hình thức tổ chức lấy ý kiến cử tri:
- Việc lấy ý kiến cử tri được tổ chức theo từng thôn, phố. Tổ lấy ý kiến cử tri cử thành viên của Tổ phát “Phiếu lấy ý kiến cử tri” đến từng hộ gia đình, đồng thời đề nghị cử tri đại diện hộ gia đình đó cho ý kiến vào Phiếu.
- Tùy theo điều kiện cụ thể ở mỗi địa phương để tổ chức lấy ý kiến cử tri theo 1 trong 2 hình thức sau:
+ Tổ lấy ý kiến cử tri cử thành viên của Tổ phát “Phiếu lấy ý kiến cử tri” cho từng hộ gia đình, đồng thời đề nghị cử tri đại diện hộ gia đình đó cho ý kiến vào phiếu và thu phiếu luôn.
+ Tổ lấy ý kiến cử tri cử thành viên của Tổ phát “Phiếu lấy ý kiến cử tri” cho từng hộ gia đình; hộ gia đình đó bàn bạc, thống nhất và cử đại diện cử tri của hộ gia đình cho ý kiến vào phiếu; Tổ lấy ý kiến hẹn thời gian quay trở lại hộ gia đình thu phiếu hoặc thông tin thời gian, địa điểm cụ thể để cử tri đại diện hộ gia đình đến nộp phiếu.
b) Nội dung phát phiếu lấy ý kiến cử tri:
- Mỗi hộ gia đình sẽ được phát 01 “Phiếu lấy ý kiến cử tri” về việc thành lập tỉnh Hưng Yên trên cơ sở sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình; thành lập xã mới trên cơ sở sáp nhập các xã theo từng phương án cụ thể.
4. Thành lập các Tổ lấy ý kiến cử tri
- Số lượng Tổ lấy ý kiến cử tri: Được thành lập theo địa bàn từng thôn, khu phố; mỗi thôn, khu phố có 01 Tổ lấy ý kiến cử tri.
- Định hướng cơ cấu, thành phần Tổ lấy ý kiến cử tri: Một Tổ có thể phân ra nhiều Nhóm, mỗi Nhóm khoảng từ 02 đến 03 người để đảm bảo phù hợp với số hộ gia đình được giao phụ trách.
Tổ trưởng: đồng chí Bí thư Chi bộ - Trưởng thôn, phố;
Tổ phó: 2 đồng chí là đồng chí Phó bí thư chi bộ, Phó Trưởng thôn, phố và đồng chí Trưởng ban công tác mặt trận thôn, phố;
Các Tổ viên là Trưởng, phó các chi hội, đoàn thể thôn và các cử tri là công dân có uy tín ở thôn, phố;
Thư ký tổ là người có nhiệm vụ tổng hợp, báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri.
5. Tổ chức lấy ý kiến cử tri
- Tổ/Nhóm lấy ý kiến cử tri cử thành viên đến từng hộ gia đình để phát “Phiếu lấy ý kiến cử tri” cho cử tri đại diện hộ gia đình, đề nghị cử tri ký nhận vào danh sách nhận Phiếu lấy ý kiến cử tri.
- Sau khi nhận phiếu, các cử tri trong hộ gia đình nghiên cứu, xem xét để cử tri đại diện hộ gia đình cho ý kiến vào ô “Đồng ý” hoặc “Không đồng ý” trên phiếu và có thể ghi ý kiến khác (nếu có) vào phần “Ý kiến khác …”; sau đó ký tên vào cột ký tên trên Phiếu. Tổ/Nhóm lấy ý kiến cử tri thu Phiếu theo 01 trong 02 hình thức nêu trên.
Sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, nhằm mục tiêu xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Qua đó, góp phần tiết kiệm nguồn lực, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Vì vậy phải có sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, xây dựng đất nước ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.
Việc sắp xếp, tinh gọn đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã là yêu cầu tất yếu khách quan, phù hợp với định hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại hội nghị đồng chí Vũ Huy Thắng, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng bộ, chủ tịch HĐND thị trấn đề nghị các đồng chí trong BCH đảng ủy được phân công phụ trách thôn, phố, các đồng chí cán bộ, công chức, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, phố, Trưởng Ban CTMT các thôn, phố tổ chức triển khai thực hiện tốt kế hoạch đề ra, đảm bảo công tác tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình được thành công tốt đẹp./.
Hồng Thúy - Công chức Văn hóa xã hội