Nhiệt liệt chào mừng Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024)!

Trang chủ/ Di tích lịch sử

  03/08/2024     |  Lượt xem 40   

Danh nhân Nguyễn Trung Ngạn

         Nằm trong không gian vùng quê văn hiến và cách mạng, huyện Ân Thi là mảnh đất giàu truyền thống văn hoá, hiếu học, trọng hiền tài. Trong các kỳ khoa cử thời phong kiến, huyện Ân Thi đóng góp 41 vị Đại khoa, tiêu biểu là danh nhân Nguyễn Trung Ngạn.

            Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ông sinh năm Kỷ Sửu (1289), mất năm Canh Tuất (1370), thuở nhỏ tên là Cốt, sau đổi là Trung Ngạn, tự là Bang Trực, hiệu Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, tổng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi, phủ Khoái Châu (nay là thôn Hoàng Cả, thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi). Lúc nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, được đương thời tôn vinh là “thần đồng”. Năm 12 tuổi, ông đỗ Thái học sinh, năm 16 tuổi, đỗ Hoàng giáp (học vị Tiến sỹ nho học), là vị Hoàng giáp đầu tiên của nước ta và cũng là ông tổ khai khoa của làng Thổ Hoàng, vị Kinh sư đại doãn (chức danh người đứng đầu kinh thành Thăng Long thời Trần), làm quan tới bậc Tể tướng - đứng đầu hàng ngũ quan lại trong triều. Ông làm quan trải qua 5 triều vua Trần, xuất sắc trên mọi phương diện chính trị, quân sự, ngoại giao, luật pháp, sử học... Nhà bác học Phan Huy Chú đã xếp Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn là một trong 10 danh thần lỗi lạc nhất của thời Trần. Còn nhà sử học Ngô Thì Sĩ phải thốt lên rằng: “Nho thần cả thời nhà Trần chưa thấy ai được tin dùng như Trung Ngạn”. Trần Nguyên Đán, một nhân cách lớn thời Trần ca ngợi Nguyễn Trung Ngạn “Sáng rực như sao Bắc Đẩu, cao vòi vọi như núi Thái Sơn”.
Khuôn viên
Khuôn viên Đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn

         Ông được vua Trần bổ nhiệm giữ nhiều chức vụ quan trọng. Năm 1326, ông được cử làm An Phủ sứ Thanh Hoa (nay là Thanh Hóa). Năm 1329, ông hộ giá vua Trần Minh Tông đi đánh Đà Giang và vâng lệnh vua viết quyển Thục lục về cuộc hành quân này. Năm 1332, ông coi việc ở viện Thẩm hình, kiêm An Phủ sứ Nghệ An, coi việc chép quốc sử, rồi làm Tào Vận sứ ở lộ Khoái Châu. Ông đặt Tào Thương kho, chuẩn cấp cho dân đói. Năm 1341, ông cùng với Trương Hán Siêu biên định bộ “Hoàng Triều đại điển” và khảo soạn bộ “Hình thư thi hành”. Năm 1342, ông được thăng chức Hành khiển coi viện Khu mật. Năm 1355, ông được thăng Kinh lược sứ trấn Lạng Giang, Nhập nội Đại hành khiển, Thượng thư hữu bật, kiêm viện Khu mật, Đại học sĩ hầu ở tòa Kinh diên, Trụ quốc, Khai Huyện bá. Về sau, ông làm quan đến chức Nhập nội Đại Hành khiển (tức Tể tướng), tước Thân Quốc công, đứng đầu hàng ngũ quan lại trong triều đình.

         Trong cuộc đời mình, Nguyễn Trung Ngạn trải qua nhiều chức vụ từ chức Thông giám đến Tể tướng, luôn thanh liêm, hết lòng tận tụy với công việc làm lợi cho nước, cho dân. Ông là nhà chính trị, nhà ngoại giao có tài. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong hai lần đi sứ nhà Nguyên, có ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm chủ quyền và độc lập dân tộc trong cuộc bang giao Nam - Bắc. Trong cuộc đời làm quan của mình, với tính cương trực, hai lần Nguyễn Trung Ngạn bị giáng chức, trong đó có lần do ông can vua không được. Nhưng cả hai lần nhờ tài năng và đức độ trong điều hành chính sự, giải quyết được nhiều vụ việc phức tạp, ông lại được vua thăng chức.

         Nguyễn Trung Ngạn còn là nhà văn, nhà thơ có tài. Thơ ông kết hợp yêu nước, thương dân, trung quân là một, nghệ thuật thơ giàu âm thanh, nhạc điệu, lời lẽ thanh tao, điêu luyện. Phan Huy Chú trong cuốn sách Lịch triều hiến chương loại chí nhận xét thơ Nguyễn Trung Ngạn như sau: “Lời thơ hài mại, phóng khoáng, có khí phách và cốt cách Đỗ Lăng (tức Đỗ Phủ). Những câu thơ hay nhiều không kể xiết. Thơ tứ tuyệt lại càng hay, không kém gì thơ thời thịnh Đường”.

         Nguyễn Trung Ngạn mất năm 1370, thi hài ông được đưa về an táng tại quê hương làng Thổ Hoàng. Ngày mồng 10 tháng Giêng hàng năm, con cháu dòng họ Nguyễn Trung ở khắp mọi nơi lại về làng Thổ Hoàng kính lễ tổ tiên và tỏ lòng thành kính đối với danh nhân Nguyễn Trung Ngạn. Mặc dù phần lớn cuộc đời ông đều sinh sống và làm việc xa quê, nhưng có thể thấy Nguyễn Trung Ngạn luôn hướng về quê hương. Hiện nay, tại đình Thổ Hoàng Cả còn lưu giữ một bức châm cổ có đề bài thơ do Nguyễn Trung Ngạn viết ca ngợi công lao của Thành hoàng làng. Tại Văn miếu Xích Đằng Hưng Yên có tấm bia ghi danh ông. Để tưởng nhớ công lao của ông, không những quê hương Hưng Yên mà ở nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước đã chọn tên ông đặt cho nhiều trường học, đường phố, công trình văn hóa... Qua đó thể hiện sự tôn kính đối với bậc danh nhân cũng như noi gương ông trong con đường học tập và làm việc. Cuộc đời của ông với tất cả tấm lòng vì nước, thương dân nên sau khi ông qua đời, Nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ ông.

         Để tri ân và tôn vinh danh nhân Nguyễn Trung Ngạn, ngày 22.6.2018, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình Đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn tại thôn Hoàng Cả, thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi. Với tổng diện tích là hơn 9.000 m2 gồm các hạng mục: Đền thờ, Nghi môn, Bình phong, Cổng đền, Lầu chuông - Gác trống, Tả vu - Hữu vu và các hạng mục phụ trợ khác. Đây là công trình mang đậm nét kiến trúc truyền thống, hòa hợp với không gian, cảnh quan làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ngày 1.10.2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn.

 

         Di tích lịch sử Đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn là một di tích có giá trị về lịch sử, hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn trên hành trình du lịch tâm linh của du khách thập phương, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử hào hùng của dân tộc và của quê hương Hưng Yên. Từ đó khơi dậy lòng tự hào về truyền thống của ông cha, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Nguồn trích dẫn: baohungyen.vn

 
 
 
Liên kết
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 21821